Hoạt động trong những ngày lễ hội Lễ hội Bình Đà

Ngày 24 tháng Hai

Làm lễ Quán Sái, nghĩa là tế lễ xin phép tắm rửa lau chùi, quét dọn Đền Nội. Đình Ngoại. Các tế chủ và quan viên hành lễ ở Đền, Đình.

Ngày 25 tháng Hai

Tổ chức tế cáo Tiền Nhật, lễ trình bò sống. Theo các cụ cao niên, nghi lễ tế bò này là để tưởng nhớ ngày Đức Thánh Linh Lang tế bò khao quân trước khi ra trận đánh giặc Chăm. Những kiêng kỵ khi nuôi bò cũng như nghi lễ cúng tế hết sức trang nghiêm này với mong muốn Đức Thánh sẽ hiển về phù hộ cho dân làng một năm yên bình.

Trước kia, chỉ sau Hội một tháng, các giáp đã phải họp để chọn gia đình nuôi bò, chuẩn bị cho lễ tế bò năm tới. Các giáp chọn những gia đình song toàn, không vướng tang cớ, con cháu đề huề để nuôi bò cúng tế. Bò được chọn mua về nuôi phải là bò đực, khỏe mạnh, đẹp theo những tiêu chuẩn nhất định như: đường sống lưng bằng phẳng, ngực sâu và rộng, mông to, các chân cân đối, lông trơn và không giòn…. Gia đình được chọn phải làm chuồng bò mới ở nơi cao ráo sạch sẽ để nuôi riêng, không được nuôi chung với các con bò khác. Cỏ cho bò ăn cũng phải tự trồng riêng, sạch sẽ. Trước Hội một tháng, làng sẽ chọn một con bò béo đẹp nhất làm lễ dâng Thánh. Giáp nào được chọn bò làm lễ dâng Thánh được coi là may mắn vì năm đó sẽ được Thánh phù hộ.

Nghi thức nuôi và tế bò đã bị gián đoạn trong một thời gian dài do chiến tranh và điều kiện khó khăn về kinh tế. Mãi đến năm 2014, nghi lễ này mới được khôi phục lại. Hiện nay, không còn các giáp, và cũng không có gia đình nào có đủ điều kiện để chăn nuôi bò trong một năm do Bình Đà đã đô thị hoá, vì vậy, trước Hội một tháng, Ban Quản lý Di tích sẽ phân công một thôn (thường là theo thứ tự luân phiên) giao đi mua bò tế. Bò mua về cũng phải lựa chọn theo những quy định tổ tiên truyền lại và giao cho một gia đình song toàn, không tang cớ, tự nguyện nuôi trong vòng một tháng.

Trước ngày làm lễ, gia đình sở tại phải chăm cho bò loại cỏ tươi thơm, hàng ngày phải đun nước cây thơm (hương nhu, xả) để tắm cho bò. Đến ngày hội, bò được tắm rửa bằng nước giếng của đình, cho nhịn ăn từ hôm trước (ngày 24 tháng Hai Âm lịch). Ngày 25, bò được cho mặc áo và rước từ gia đình nuôi bò đến đình Ngoại làm lễ tế bò sống, kể từ lúc này bò phải nhịn ăn, uống.[2]

Ngày 26 tháng Hai

Được truyền là ngày hóa của Đức Thánh Linh Lang, cũng là ngày Đệ niên kỉ niệm Đương Cảnh Thành Hoàng. Ngay từ sáng sớm, người ta mổ bò lấy lông, gan, khâu bụng lại đem thui. Một hương án lớn được đặt ở sân đình. Bò sẽ được thui chín cả con đặt lên trước hương án đầu quay vào trong đình, cùng với toàn bộ tiết và nội tạng. Dân chúng 7 thôn trong làng phải cùng nhau rước lễ thôn mình ra Đền Nội, mỗi thôn biện 2 lễ, trong đó có một lễ chay dâng tiến lên Đức Quốc tổ Lạc Long Quân. Tế xong, cả bảy thôn mới rước lễ mặn (trư nhục-thịt lợn) ra dâng đình Ngoại. Ban tế đình Ngoại làm nghi thức tế lễ dâng Thánh. Tế xong, bò được mang về chia cho các gia đình trong thôn để lấy lộc. Hội nghỉ ba ngày...

Ngày 30 tháng Hai

Là ngày lau chùi và lắp kiệu. Ba kiệu đình Ngoại được chuyển vào Đền Nội.Trong Đền hương nến cháy suốt ngày và kể từ hôm nay đến hết hội, tế chủ phải vào ở trong đền, đình. Và cũng trong chiều hôm đó, các giáp, dòng họ hoặc gia đình đăng kí cung tiến mã, cây vàng, cây bạc rước ra nhà văn chỉ để chiều hôm sau làm lễ đón Mã.

Ngày Mồng Một Tháng Ba

Là ngày hội cầu phúc. Sáng sớm, đội bông nghệ thuật các thôn đã phải trồng cây bông của thôn mình vào các vị trí đã quy định từ trước. Giờ Mùi, nhân dân Thôn Dộc dâng lễ vào Đền Nội sau đó cử hành lễ đón Mã rất long trọng. Sáu kiệu cùng các kiệu lễ cử hành từ Đền ra nhà văn chỉ nhận Mã rồi chia làm hai, một về Đền Nội, một về Đình Ngoại. Đám rước gồm có cờ, quạt, trống, chiêng, phèng la... Ba cỗ kiệu gồm kiệu Long Đình, Bát Cống, Giá cỗ (để bộ Mã) đều có tàn, lọng che.Tiếp đó là các đồ lỗ bộ, bát bửu sơn son thiếp vàng uy nghi lộng lẫy. Phường bát âm nối theo, hòa tấu suốt dọc đường. Rồi đến các bô lão, chức dịch. Cuối đám rước là đội rồng, lân rộn ràng uốn lượn theo nhịp trống cùng tiếng hò reo của dân chúng. Sau khi đám rước về đến Đền Nội, Đình Ngoại, ban hành lễ cử hành tế lễ.

Ngày Mồng Hai Tháng Ba

Làm lễ Nhật luân nhập tịch kì phước. Từ sáng sớm, nhân dân Thôn Đìa tổ chức rước lễ vào Đền Nội, ban hành lễ cử hành tế lễ rồi rước lễ ra Đình Ngoại. Buổi chiều, các dòng họ, quan khách, các nhóm và cá nhân cùng nhau rước lễ, dâng hương, cấu phúc, cầu an. Tổ chức các trò chơi dân gian như cờ người, đập niêu, bắt vịt, đấu vật... và các giải đá bóng....

Ngày Mồng Ba Tháng Ba

Tiếp tục làm lễ Nhật luân nhập tịch kì phước. Từ sáng sớm, nhân dân Thôn Quyếch, tăng ni phật tử Chùa Gã, Chùa Âm, Miếu Ông cử hành rước lễ dâng lên Đền Nội, ban hành lễ cử hành tế lễ rồi rước lễ ra Đình Ngoại.

Ngày Mồng Bốn Tháng Ba

Tiếp tục làm lễ Nhật luân nhập tịch kì phước. Từ sáng sớm, nhân dân Thôn Chua tổ chức rước lễ dâng lên Đền Nội, ban hành lễ cử hành tế lễ rồi rước lễ ra Đình Ngoại. Buổi chiều đón dân chúng và cán bộ chính quyền, đoàn thể các làng quanh vùng đến dâng lễ và dự hội cổ truyền làng Bình Đà.

Ngày Mùng Năm Tháng Ba

Từ sáng sớm, nhân dân Thôn Chằm tổ chức rước lễ dâng lên Đền Nội, sau đó ban hành lễ cử hành lễ tế và lễ Mã hoàn ký (hóa Mã của năm trước). Sang giờ mùi (13 giờ - 15 giờ) trống chiêng lại nổi âm vang. Mọi người sửa soạn cuộc rước kiệu "giao hoàn". Đây là việc rước sắc từ Đền Nội ra Đình Ngoại rồi trở về. Sắc của Quốc tổ Lạc Long Quân gửi con đi đánh giặc giữ nước. Con (Linh Lang) là biểu tượng của thế hệ tiếp nối dòng dõi quốc tổ. Đám rước có đội múa rồng, múa lân lượn lên, lượn xuống như đón như đưa. Đến lúc hoàng hôn, cuộc rước mới từ Đình Ngoại quay về Đền Nội. Đây là đám rước lớn nhất. Trống chiêng "tùng dinh" cùng nhạc phường bát âm râm ran bầu trời lễ hội trong buổi chiều tà. Cờ đủ loại, đủ màu rực rỡ khắp nẻo đường dẫn về hội: cờ ngũ hành, cờ tứ linh, cờ hàng giáp. Múa sênh tiền có, tiếng trống cơm hòa nhịp. Rồi giá trống giá chiêng, bát bửu đèn lồng sáng mờ một màu vàng mát. Giờ Tuất (19-21 giờ), đám rước lớn tới cổng Đền Nội. Đám rước lớn tạm dừng, chào đón đám rước của các chùa vừa tới. Đám rước nhà chùa không ồn ào mà đầy vẻ tôn kính, nghiêm nghị với những lá phớn dài - cờ nhà Phật - cùng đoàn sư sãi trầm lặng, khiêm nhường, vừa đi vừa lần tràng hạt trong.Giờ Tuất (19-21 giờ), đám rước lớn tới cổng Đền Nội.Vật phẩm nhà chùa đều là cỗ chay xếp ngăn nắp trên những mâm đồng do sãi đội: 100 phẩm oản, 100 quả chuối, 100 miếng cau đậu, 100 ghế chéo 1. Số lượng giống nhau giữa các loại vật phẩm mang tính biểu tượng gợi nhớ tới vị quốc tổ của nòi giống Lạc Hồng ấy là hình ảnh 100 quả trứng, 100 con trai như cái vốn ban đầu của dân số, tộc người. Năm gian Đền Nội đèn nến sáng trưng, khói hương nghi ngút, ngan ngát toả thơm. Vật phẩm dâng trình vừa xong thì mâm bánh trôi thờ gọi là bánh vía, bánh thủy cũng vừa rước tới. Chủ tế nhận đưa ngay vào hậu cung dành cho nghi lễ đặc biệt ngày mai, mồng 6, chính hội.

    Cửa Đền lần lượt đóng lại, cử hành nghi lễ "mật cúng". Sự yên lạc bên trong khiến không khí trở nên thiêng liêng. Chỉ còn hai chủ tế, bốn trùm, bốn giải quán tiến hành lễ thỉnh bách thần về phù hộ cho dân làng, làm ăn phấn chấn, mùa màng thịnh vượng. Còn phía ngoài, sân Đền rộng lớn là thế mà dường như vẫn quá nhỏ bé so với số người đang chen chúc, hò reo vang dậy trong trò chơi đêm tràn đầy sức sống.[3]

Ngày Mồng Sáu Tháng Ba

Ban hành lễ tế Hội đồng. Trong Đền chỉ có chủ tế cùng bốn trùm cai nội đang kính cẩn bầy biện xem xét lễ vật cho đám rước vía, gồm: nước trong (1 bát), trầu cau (1 tráp) tiền mã (100) tờ, oản lớn (12 phẩm), bánh thủy (bánh vía 4 viên) đậy kín trong đài. Từ sáng sớm, trống chiêng gọi hội ba hồi chín tiếng dõng dạc vang lên lan rộng như nhắc nhở, giục dã dân làng tới. Chủ tế, trùm cai xem xét từng mâm, đặt vào đúng nơi thờ như ngọc phả quy định. Rồi, cửa đình đóng lại. Lễ cầu cúng diễn ra như đêm hôm trước.Khoảng một giờ sau, lễ xong, cửa đình mở rộng, chiêng trống, đàn nhị nổi lên hòa tấu, báo hiệu nghi lễ mới: lễ múa cờ, múa bông (đón mời và cầu nguyện quốc tổ). Cuộc tế đã sửa soạn sẵn, diễn ra ngay sau hai lễ múa trên. Tế trong Đền Nội đồng thời cầu ở Thiên Quan, ở đài tế trời, đất, trước đình, phía bên trái. Các giáp mang lễ lợn (lợn cả con, sạch lông, sạch lòng) bày la liệt quanh đài. Mỗi nơi một chủ tế đảm nhiệm. Chủ tế tới đàn trời đất đọc văn tế, giọng thiết tha, trầm bổng xúc động lòng người, cảm hoá trời đất: "Thiết nghĩ âm dương đều cảm, giời đất lưu thông u hiển tuy khác, thành tâm như một. Ngày này, giờ này, nước Đại Việt, phủ Ứng Thiên, huyện Thanh Oai, xã Bảo Đà, quan viên, chức sắc kỳ mục, lý dịch cùng trên dưới, già trẻ mười sáu giáp, hàng năm mở tiệc cầu phước vào ngày mùng 6/3, kính mời". Sau đó cử hành lễ rước và thả bánh Thánh tại giếng Ngọc.

Cũng vào sáng hôm đó, Trung ương, các bộ ban ngành, thành phố, huyện, xã lân cận tổ chức trang trọng lễ dâng hương lên Đền Nội tưởng nhớ Đức Quốc tổ Lạc Long QuânLinh Lang Đại Vương.

Buổi chiều, cử hành rước Hoàn Cung, Sáu kiệu từ Đền Nội và Đình Ngoại lần lượt từ Đền trở về Đình. Sau khi đi được nửa đường thì ba kiệu Đền Nội quay lại Đền Nội còn ba kiệu Đình Ngoại hoàn cung Đình Ngoại. Sau đó làm lễ yên vị và cất kiệu đến hội năm sau.[4]

Ngày Mồng Bảy Tháng Ba

Từ sáng sớm, nhân dân Thôn Chợ tổ chức rước lễ dâng lên Đền Nội, sau đó ban hành lễ cử hành lễ tạ rồi rước lễ ra Đình Ngoại làm lễ tạ, kết thúc hội.